Ngày 23 tháng 5 năm 2018 với sự đồng thuận của các bậc Phụ huynh và Ban Giám Hiệu Nhà trường về việc tổ chức cho học sinh trung cấp nghề học văn hóa khối 11 đi tham quan, học tập trải nghệm tại khu di tích lịch sử K9 Đá Chông và Đảo Ngọc Xanh
Khu Di tích K9 (Khu Di tích Đá Chông, trước đây gọi là K84) nằm trong hệ thống đồi gò có diện tích 234 ha, giáp địa giới hành chính với ba xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Trên đồi có những tảng đá to đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông, ngọn mác nên gọi là Đá Chông.

Vùng đất này đã có một sự kiện đặc biệt để rồi sau này trở thành một địa danh lịch sử. Đó là vào một ngày của tháng 5 năm 1957, Bác đến thăm Trung đoàn 36 – Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Bác đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt thấy đây là nơi sơn thuỷ hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các đồng chí cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương.
Trong 9 năm (từ 1960 – 1969) Bác Hồ và một số đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Quân đội đã nhiều lần đến làm việc tại đây. Đặc biệt, ngày 20 tháng 9 năm 1964, Bác Hồ cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đã lên họp tại K9. Bác và các đồng chí cùng đi đã trao đổi về tình hình quốc tế và trong nước từ sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (ngày 5 tháng 8 năm 1964) và một số vấn đề về công tác phòng không nhân dân. Cũng tại nơi này, Bác đã từng tiếp đón bà Đặng Dĩnh Siêu- phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, ông Hà Vĩ – Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969), Bộ Chính Trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn khu căn cứ K9 Đá Chông để xây dựng thêm công trình “Ngôi nhà kính”, “Hầm ngầm” phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác do nơi đây đảm bảo được các yếu tố: yên tĩnh, bí mật, thuân tiện giao thông. Nơi đây trở thành nơi giữ gìn thi hài Bác từ năm 1969 đến năm 1975. Sau đó, ngày 18 tháng 7 năm 1975, thi hài Hồ chủ tịch được di chuyển về công trình Lăng của Người tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Dâng nén hương thơm tưởng nhớ đến Người, thầy và trò trường Cao đẳng Nghề số 1 – BQP thầm hứa sẽ thi đua “Dạy tốt – Học tốt” để xứng đáng là con cháu của Người.
Chia tay với địa danh K9 Đá Chông, đoàn di chuyển đến khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh thuộc địa phân xã La Phù, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đảo Ngọc Xanh đã được định hướng là một trong những khu du lịch trọng điểm của vùng đất tổ. Vốn là một vùng bãi nổi giữa sông Hồng, bên dưới là một mạch ngầm nước khoáng nóng có trữ lượng lớn nhất cả nước. Vì thế, Đảo Ngọc Xanh đúng như tên gọi của mình, là một hòn đảo ngọc xanh biếc giữa lòng thành phố.
Các bạn được thử sức với các trò chơi mạo hiểm như: Cướp biển Carybe, tàu lượn trên không, đu lồng, xem phim 3D … và rồi được thư giãn với các trò chơi: Đi xe đạp đôi, xe điện đụng, bơi lội trong công viên nước … Những tiếng cười đùa thoải mái sau những giờ học căng thẳng của các bạn học sinh vang khắp khu sinh thái.
Qua chuyến thực tế học sinh hiểu hơn về cuộc đời thân thế sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam và cảm nhận nét văn hoá đặc trưng của từng dân tộc. Mặt khác, chuyến đi thực tế này rất có ý nghĩa nhằm tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.
Tin bài: Trần Thị Thùy (GV khoa Khoa học cơ bản)