Thạc sĩ, cử nhân cất bằng đi học cao đẳng, trung cấp nghề. Khác những cử nhân mới ra trường loay hoay tìm việc làm, nhiều người có bằng Thạc sĩ, đại học, có công việc nhưng gặp khó khăn đành đi học tiếp cao đẳng, trung cấp nghề để chuyển việc, dễ có việc làm.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, hết tháng 3/2016 cả nước có 192.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm gần 1/5 tổng số người thất nghiệp của cả nước. Trước đó, con số này là gần 156.000 người tính đến cuối năm 2015.
Báo cáo cũng nêu, số thất nghiệp quý đầu năm là trên 1,1 triệu người, với 48% trong độ tuổi từ 15 đến 24. Ở nhóm thanh niên, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc là 6,47%, cao gấp 5 lần thống kê chung dành cho những người trên 25 tuổi. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở khu vực thành thị với 9,51%, tức là cứ 10 thanh niên trong lực lượng lao động ở khu vực thành thị thì có gần một người thất nghiệp.
Bốn cô gái Nguyễn Thị Huệ, Nông Thanh Ngọc, Triệu Thị Linh Chi và Giáp Huyền Trang (Lạng Sơn) chơi thân với nhau, học chung phổ thông rồi cùng tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Sau gần 2 năm ra trường không kiếm được việc làm, các cô “đầu quân” làm công nhân tại khu công nghiệp, sau đó bỏ việc về quê đăng ký học trung cấp. 4 năm học hết khoảng hơn 100 triệu đồng, bố mẹ phải chắt chiu nhiều lắm. Hiện tại, để có tiền học trung cấp, cả 4 cô gái phải tự tìm việc làm thêm. “Lúc thì chạy bàn ăn, lúc làm phục vụ quán bia, có thời gian còn làm thêm tại cửa hàng bán hoa tươi, 1-2h sáng mới về là chuyện bình thường.

Nguyễn Đình Đức (24 tuổi) đang hoạt động trong nhóm xe ôm ở bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Tốt nghiệp trường kinh tế ở thủ đô với tấm bằng loại khá gần 2 năm nay nhưng Đức vẫn chật vật tìm việc. Hơn nửa năm nay, ngày Đức chạy xe ôm, tối lại đi học thêm một lớp trung cấp tiếng Nhật với dự định học xong sẽ xin đi dạy. Cậu chia sẻ, công việc khó khăn nên nhiều ngày lễ không dám về quê vì sợ tốn kém. Về nhà cũng ngại gia đình hỏi thăm nên chỉ nói dối là đang đi làm, mọi việc vẫn ổn. “Giờ chạy xe ôm hơi vất vả nhưng mỗi tháng em kiếm được hơn 5 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện thì đủ tiền nhà, tiền ăn và lo cho việc học”.
Hoàng Xuân Hiến sinh năm 1985, quê ở Kinh Môn, Hải Dương tốt nghiệp Đại học từ năm 2009. Hiện tại anh chàng đang nghĩ chuyện đốt bằng tốt nghiệp loại Khá kỹ sư ngành Cơ khí của trường Đại học Bách khoa Hà Nội và công việc hiện tại của Hiến là bán trà.
Học đại học để làm gì? là bài viết của anh Lê Sơn đã bày tỏ quan điểm của mình về việc học đại học đang gây được sự chú ý trên mạng bởi anh nói lên thực trạng “học đại học cho có” của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay.
Cựu Sinh viên cắn lưỡi tự tử này có tên là P.T.T H Trường ĐH Thể dục Thể thao (TDTT) Bắc Ninh vì không xin được việc làm
Lương Thu Hoài (28 tuổi) tốt nghiệp bằng khá cử nhân Quản trị doanh nghiệp của Đại học Thương mại. Chị học tiếp thêm 2 năm để lấy bằng thạc sĩ rồi đi dạy ở một trường trung cấp kinh tế kỹ thuật tại Hà Nội. Dạy được vài năm, công việc khó khăn, chị chuyển sang học trung cấp dược sĩ. Chị Hoài tin rằng việc kinh doanh sẽ khả thi vì mẹ làm trong bệnh viện, có nhiều mối quan hệ, bản thân tìm hiểu trước về xu hướng ngành dược rồi mới quyết định học trung cấp. “Nhiều người cứ nghĩ đi học dược là bán thuốc nhưng không phải, ngoài bán thuốc mình có thể hướng đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe con người. Lĩnh vực này ở Việt Nam mấy năm nay bắt đầu phát triển nên mình tin công việc sẽ ổn thôi“, chị nói.
Thạc sĩ Đỗ Văn Thăng, Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng trường Cao đẳng nghề số 1 – BQP cho biết, nhiều người ra trường thất nghiệp vài năm rồi, hiện có khoảng 30% người có bằng đại học nộp hồ sơ xét tuyển học nghề và đang theo học tại trường. Độ tuổi trung bình của sinh viên là 25.
Lý do họ đi “liên thông ngược” rất đa dạng, đa phần là trước đây đổ xô vào học nhóm ngành thời thượng, như kinh tế, tài chính, ngân hàng, sư phạm… Sau này, nền kinh tế suy thoái dẫn đến việc làm khó khăn, các công ty tuyển dụng gắt gao, sa thải hàng loạt hoặc yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, nhiều người không đáp ứng được bắt buộc phải đi học Cao đẳng, trung cấp nghề để chuyển nghề hoặc “đánh bóng” thêm bằng cấp. Cũng có người trẻ ra trường chưa xin được việc làm ngay, có thời gian rảnh rỗi nên đi học thạc sĩ.
Ông Thăng dự đoán, vài năm tới xu hướng người đi học Cao đẳng, trung cấp nghề để chuyển đổi nghề sẽ còn gia tăng nếu vẫn đào tạo đại học tràn lan như hiện nay. Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh Xã hội cần có những quyết sách hợp lý để giảm bớt việc học sinh đổ xô vào các ngành học đã quá nóng, đến khi ra trường thì lại bão hòa, khó tìm việc.
“Hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là một thực tế cảnh tỉnh học sinh. Những em không đủ sức học đại học thì có thể chọn học nghề hoặc chọn đường khác, đừng nhất thiết đổ xô đi đại học để rồi lại giấu bằng đi Cao đẳng trung cấp nghề cho dễ xin việc. Tấm bằng đại học giờ không còn là cần câu cơm hữu hiệu như nhiều năm trước”, ông nói.