- Năm 2015, Tổng cục Dạy nghề tập trung trí tuệ, dồn sức cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chính sách hỗ trợ người học nghề, học sinh, sinh viên
Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 27/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, đặt ra cho công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, các chính sách hỗ trợ người học nghề, học sinh, sinh viên là hết sức cần thiết và cấp bách. Khắc phục khó khăn trong việc triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Dạy nghề đã tập trung trí tuệ, dồn sức cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách cho đào tạo nghề. Kết quả là năm 2015, Tổng cục Dạy nghề đã trình Bộ và Chính phủ ban hành 4 Nghị định (Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24/3/2015 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Nghị định 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 Quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp; Nghị định 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Nghị định 113/2015/NĐ-CP ngày 9/10/2015 Quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập), Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định (Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/09/2015 Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp). Phối hợp với các Bộ ngành liên quan trình Bộ ban hành 03 Thông tư liên tịch và 19 Thông tư, trong đó có 6 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp. Dự thảo hoàn thành và gửi xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với 25 Thông tư liên tịch hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp.
- Năm 2015, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đột phá về chất lượng dạy nghề và đào tạo nhân lực hướng tới hội nhập ASEAN
Xây dựng và trình khung trình độ quốc gia: Khung trình độ quốc gia đã được xây dựng bao gồm 8 bậc trình độ với 02 cấu phần chính thống nhất với nhau là giáo dục nghề nghiệp (từ bậc 1 – 5) và giáo dục đại học (từ bậc 6 – 8); khung trình độ quốc gia được xây dựng tương thích với Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF), Khung trình độ châu Âu (EQF) và khung trình độ của nhiều quốc gia khác như Anh, Úc, Newzealand,… Điều này sẽ giúp cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ giữa Việt Nam và các nước ASEAN, tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động và sinh viên trong khu vực khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập.
Đẩy mạnh chuyển giao các bộ chương trình từ nước ngoài cho các nghề trọng điểm
– Hoàn thành chuyển giao 20 bộ chương trình đạt tiêu chuẩn quốc tế (08 bộ chương trình từ Malaysia, 12 bộ chương trình từ Úc) theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012 – 2015. Lựa chọn 25 trường tham gia đào tạo thí điểm cho 888 sinh viên theo tiêu chuẩn của Úc; tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn các trường triển khai thực hiện đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao.
– Phối hợp với các đối tác nước ngoài, tổ chức 06 lớp đào tạo kỹ năng nghề tại Malaysia cho 70 giáo viên thuộc 6 nghề. Tổ chức 08 lớp bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành cho 160 nhà giáo dạy nghề các nghề trọng điểm, quốc tế, khu vực ASEAN. 05 lớp đào tạo cho 100 giáo viên hạt nhân và 55 lớp bồi dưỡng nhân rộng về đào tạo theo tín chỉ, biên soạn giáo án và tổ chức dạy tích hợp, 20 lớp bồi dưỡng đánh giá kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề các nghề trọng điểm quốc gia, 15 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy nghề các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 1008 cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, 850 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 150 cán bộ lãnh đạo làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao theo Quyết định 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”, trong đó lựa chọn 45 trường nghề công lập được quy hoạch ưu tiên đầu tư để trở thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2020. Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức các hội nghị, hội thảo hướng dẫn, lấy ý kiến giám sát thực hiện 6 tiêu chí trường chất lượng cao. Đồng thời các trường được lựa chọn đầu tư phát triển thành trường chất lượng cao đã chủ động nghiên cứu đổi mới hoạt động của nhà trường; nghiên cứu vận dụng chương trình nước ngoài vào đào tạo; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo giáo viên trong và ngoài nước.
Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, dạy và học nghề
Thực hiện Quyết định 1982/QĐ-TTg ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”. Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, dạy và học nghề bằng các công nghệ phần mềm tiên tiến trên thế giới; Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin theo hướng số hóa, mô phỏng hóa các máy móc, thiết bị dạy nghề tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện về quản lý, dạy và học nghề theo hướng hiện đại; tạo đột phá về chất lượng đào tạo góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế. Trong năm đã triển khai thực hiện dự án thí điểm số hóa bài giảng, mô phỏng thực hành nghề hình thành cơ sở dữ liệu bài giảng điện tử phục vụ hiện đại hóa công tác dạy và học nghề; đào tạo nhân lực, chỉ đạo hướng dẫn các trường dạy nghề được đầu tư thành trường chất lượng cao tích cực chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề.
Thí điểm xây dựng và đưa vào áp dụng mô hình hệ thống quản lý chất lượng trong trường cao đẳng nghề
Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện của các nội dung quản lý cơ bản trong các trường cao đẳng nghề hiện nay từ đó nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
- Năm 2015, Việt Nam đã đạt thành tích cao tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 và Tổ chức thành công Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc
Tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 năm 2015 diễn ra ở thành phố São Paulo, Brazil (từ ngày 5/8 đến ngày 17/8/2015), lần đầu tiên Việt Nam đạt huy chương.
Sau 5 lần tham dự các kỳ thi tay nghề thế giới, kỳ thi lần 43 năm 2015 tại São Paulo, Brazil, Đoàn Việt Nam tham dự có 14 thí sinh dự thi ở 13 nghề (Hàn; Giải pháp phần mềm CNTT; Mộc Mỹ nghệ, Lắp đặt đường ống nước; Cơ điện tử, Thiết kế trang web, Công nghệ ô tô; Phay CNC, Điều khiển công nghiệp; Khuôn mẫu, Kỹ thuật khuôn đúc nhựa; Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD và Xây gạch) trên tổng số 50 nghề thi, đã giành 1 Huy chương đồng và 8 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Đoàn Việt Nam xếp thứ 24/59 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Với tổng số điểm 535/600, em Nguyễn Duy Thanh, sinh viên trường Đại học công nghiệp TP.HCM đã xuất sắc giành huy chương đồng của Kỳ thi ở nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin. Đây chính là kết quả của những nỗ lực cá nhân của Nguyễn Duy Thanh và sự hợp tác chặt chẽ giữa Đại học Công nghiệp TP.HCM, Tổng cục Dạy nghề và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã phát hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nguyễn Duy Thanh có khả năng học hỏi, trau dồi kỹ năng. Để chuẩn bị tham gia kỳ thi, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã đưa Nguyễn Duy Thanh sang đào tạo tại Hàn Quốc với thời gian 13 tháng.
Thành quả này có được nhờ sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, sự quyết tâm của Tổng cục Dạy nghề và sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong công tác chuẩn bị, huấn luyện của Đoàn Việt Nam, sự hợp tác giữa Tổng cục Dạy nghề và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Denso Việt Nam, Vikotech,…
Việc tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới góp phần thực hiện chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước; tăng cường tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới;
Thúc đẩy phong trào học và dạy nghề, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của giới trẻ cả nước trong các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020;
Thúc đẩy và nâng cao tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia tiến tới cấp độ thế giới qua việc cập nhật ứng dụng những kỹ năng, kỹ xảo, công nghệ, vật liệu mới trong đào tạo nghề và công nghiệp;
Tuyên truyền về dạy nghề Việt Nam, tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam giao lưu, gặp gỡ với thí sinh dự thi của các nước trong khu vực nhằm khuyến khích, thu hút học sinh trung học vào học nghề. Qua đó khẳng định được sự phát triển và vai trò, vị thế giáo dục dạy nghề và nguồn nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong việc thực hiện Kế hoạch hội nhập ASEAN và thực hiện hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP;
Tổ chức thành công Hội giảng Giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015
Hội giảng diễn ra từ ngày 21/9 đến 26/9/2015 tại thành phố Đà Nẵng, thu hút sự tham gia của 236 thầy cô giáo là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thành phố đến từ 159 cơ sở dạy nghề trên toàn quốc, trong đó có 105 trường cao đẳng nghề và 44 trường trung cấp nghề, 6 trung tâm dạy nghề. Điểm đặc biệt của Hội giảng lần này là 100% các bài giảng tham gia dự thi là bài giảng tích hợp. Các nghề đăng ký tham gia hội giảng là các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, như nghề: Công nghệ ô tô, Điện Công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Hàn, Quản trị mạng máy tính, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính…… Hội giảng đã chứng kiến sự tỏa sáng “nghệ thuật” sư phạm thông qua việc kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại, tạo nên môi trường học tập tích cực, sinh động, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.
Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt; khuyến khích, động viên giáo viên dạy nghề học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt là khuyến khích, động viên giáo viên phấn đấu có đủ năng lực dạy học tích hợp đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề theo năng lực thực hiện. Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về dạy nghề, phát triển các phương pháp dạy nghề, thiết bị, đồ dùng dạy học có hiệu quả để phổ biến, áp dụng rộng rãi trong ngành.
Đánh giá năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ giáo viên dạy nghề, trên cơ sở đó giúp các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Thông qua Hội giảng năm 2015 đã tìm ra được những bài giảng tiêu biểu, những tài năng sư phạm sử dụng thành thạo phương pháp dạy học tích hợp, dạy học theo năng lực thực hiện để phổ biến nhân rộng trong toàn ngành. Nhằm thúc đẩy phong trào thi đua đổi mới phương pháp đào tạo nghề đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Năm 2015, tỷ lệ HSSV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và đúng nghề đào tạo với thu nhập cao đã thu hút học sinh đủ điều kiện học đại học tham gia vào học nghề
Năm 2015 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, điểm sàn vào đại học là 15 điểm trong khi có nhiều trường đại học còn chỉ tiêu tuyển sinh nhưng nhiều học sinh đạt trên 20 điểm đăng ký học nghề. Ngoài ra, ngày càng có nhiều sinh viên đại học bỏ dở chương trình quay sang học nghề, học song song đại học và học nghề hoặc cử nhân, tiếp tục học nghề vì thấy học nghề có cơ hội tìm việc làm.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức các trường nghề cả nước đã tuyển sinh được 1.979.199 người (đạt 92,1% so với kế hoạch); trong đó: trình độ CĐN, TCN được 210.104 người (đạt 84,0% so với kế hoạch), trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 1.769.095 người (đạt 93,1% so với kế hoạch). Trong khó khăn vẫn có nhiều điểm sáng thu hút học sinh vào học nghề, việc nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả các giải pháp đào tạo gắn với doanh nghiệp.
Các giải pháp thu hút học sinh vào học nghề bước đầu đã phát huy hiệu quả như: Chính sách cho người học nghề; Hướng nghiệp; Thông tin tuyên truyền; Các hội nghị tuyển sinh; Ký cam kết có việc làm sau khi ra trường, Đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng dạy nghề…
Tỷ lệ có việc làm ngay sau học nghề đúng chuyên ngành là 80%.
- Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách quan trọng hỗ trợ người học, học sinh, sinh viên
Các chính sách ban hành hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tích hợp các chính sách có nội dung hỗ trợ dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp và thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc ban hành các quyết định này khắc phục tình trạng chồng chéo về chính sách hỗ trợ và đảm bảo tập trung thống nhất nguồn lực hỗ trợ cho người học, học viên, học sinh tham gia học nghề, giáo dục nghề nghiệp.
Ngày 28/09/2015, Thủ tướng Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/09/2015 Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Qua 5 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho Lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ dạy nghề cho 2.375 nghìn lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề luôn đạt từ 75-79%, cao hơn mức chỉ tiêu của Đề án 5-9%. Một bộ phận đã được tuyển dụng sau học nghề, một số đã thành lập tổ, nhóm sản xuất, doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất, giảm chi phí sản xuất. Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề cho người lao động trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách được học nghề, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định thống nhất về chính sách đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Quyết định quy định rõ: Mức hỗ trợ chi phí đào tạo, mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Đối tượng áp dụng: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân;…
Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 Về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp.
Quyết định quy định mức học bổng chính sách và các khoản hỗ trợ khác cho các đối tượng gồm: người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú; người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Theo TCDN