Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong bài “Học sinh và lao động”: “Thi đỗ tiểu học rồi, thì muốn lên học trung học, đỗ trung học rồi thì muốn lên đại học – Riêng về mỗi cá nhân của người học sinh, thì ý muốn ấy không có gì lạ. Nhưng chung đối với nhà nước,thì ý muốn ấy thành vô lý; vì bất kỳ ở nước nào số trường trung học cũng ít hơn trường tiểu học, trường đại học càng ít hơn trường trung học. Thế thì những học trò tiểu học và trung học không được chuyển cấp, sẽ làm gì”?
Câu hỏi này không phải chỉ cho năm 1957 mà đến hôm nay vẫn còn có nguyên tính thời sự. Bài viết của Bác viết năm 1957 nhưng người đọc đều có cảm giác như viết cho hôm nay. Bốn từ “Họ sẽ lao động” được Bác gạch chân, khẳng định một cách chắc chắn rằng con đường lao động là con đường đúng đắn nhất để con em chúng ta tiếp tục phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, vấn đề lao động mà Bác Hồ nêu trước đây được hiểu là quá trình lao động kỹ thuật, gắn với sự phát triển của khoa học, công nghệ. Do vậy để lao động một cách hiệu quả, người học cần phải có quá trình đào tạo nghề nghiệp. Nhưng cũng thật đáng tiếc, ngày nay, với tâm lý nặng về bằng cấp, nhiều thanh niên học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) vẫn muốn phải học lên phổ thông trung học (lớp 12), tốt nghiệp lớp 12 vẫn muốn phải vào đại học, phần đông đều không muốn học nghề, không muốn lao động. Với những học sinh đó, đại học là con đường duy nhất (đó là điều vô lý – như bác đã viết).

Thực hiện lời dạy của Bác; thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, thu hút người học nhiều hơn đến với học nghề, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều chính sách để tạo sự “phân luồng tự động”, tạo sự hấp dẫn cho người học. Các chính sách cho người học trong Luật bao gồm:
1 Chính sách trong tuyển sinh
Ưu tiên tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng.
+ Học sinh tốt nghiệp trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông dân tộc nội trú, trương trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào trường trung cấp, cao đẳng công lập;
+ Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng trung cấp loại giỏi trở lên và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;
+ Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá, đã có ít nhất 02 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo;
+ Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các Kỳ thi tay nghề quốc gia có bằng tốt nghiệp trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
– Ưu tiên tuyển thẳng vào đào tạo trình độ đại học.
Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường đại học để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
2. Chính sách đào tạo
– Được lựa chọn nội dung học tập trong chương trình, được học theo năng lực của bản thân; học đến đâu được công nhận đến đấy.
Đào tạo nghề sẽ có 3 phương thức đào tạo: Đào tạo theo niên chế, đào tạo theo mô – đun vào đào tạo theo tín chỉ. Trong hai phương thức đào tạo theo mô – đun và tín chỉ người học sẽ được lựa chọn nội dung học tập; được học theo năng lực của bản thân: giỏi ra trường sớm; yếu kém ra trường muộn. Trong chương trình sẽ có nhiều nội dung để người học lựa chọn học hoặc không học; học trước hoặc học sau.
– Được học theo nhiều hình thức, cơ hội học tập sẽ nhiều hơn khi người học có thể theo học hình thức chính quy, hoặc vừa học vừa làm thậm chí học từ xa hoặc tự học có hướng dẫn để lấy chứng chỉ sơ cấp, bằng trung cấp, cao đẳng.
– Được bảo lưu kết quả học tập: Những kiến thức, kỹ năng mà người học tích lũy được trong quá trình làm việc và kết quả các mô đun, tín chỉ, môn học người học đã tích lũy được trong quá trình học tập ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp được công nhận và không phải học lại khi tham gia học các chương trình đào tạo khác.
Trong quá trình học tập nếu người học đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khỏe hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học tập hoặc đi làm thì được bảo lưu kết quả học tập và được trở lại tiếp tục học tập để hoàn thành khóa học.
Trường hợp người đang học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài thì được bảo lưu kết quả học tập. Thời gian được bảo lưu kết quả học tập của cả hai trường hợp nêu trên đều là 05 năm.
3. Chính sách miễn giảm học phí
– Chính sách chung: Người học được hưởng chính sách học bổng, trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên quy định chung đối với hệ thống giáo dục quốc dân.
Chính sách miễn học phí
Người học được nhà nước miễn học phí trong các trường hợp sau đây:
+Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số hộ nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;
+ Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp;
+ Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định.
4. Chính sách đào tạo nội trú
Trước đây, chính sách đào tạo nội trú chỉ áp dụng cho học sinh là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú, được đi phương cử tuyển đi học trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Tuy nhiên, vì giới hạn như vậy, nên rất ít đối tượng đáp ứng được yêu cầu. Theo quy định của Luật, chính sách đào tạo nội trú đã mở rộng hơn cho các đối tượng, cụ thể:
– Người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật;
– Người học là người dân tộc kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật mà có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiếu số, biên giới, hải đảo;
– Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được hưởng chính sách nội trú theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
5. Chính sách hỗ trợ học nghề sơ cấp
Pháp điển hóa những quy định của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đang được triển khai trong thực tiễn, Luật giáo dục nghề nghiệp đã quy định: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Chính sách cho người học sau tốt nghiệp
Người học sau khi tốt nghiệp, nghĩa là thành người lao động phải thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động, Luật Việc làm và các pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người học nghề, Luật giáo dục nghề nghiệp còn quy định những chính sách sau cho người học:
– Được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang theo quy định; ưu tiên đối với những người có bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên;
– Được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực, hiệu quả làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu hoặc mức lương khởi điểm đối với công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định của pháp luật.
7. Các chính sách khác
Ngoài các chính sách nêu trên người học còn được các chính sách chung khác như: Được tôn trọng và đối xử bình đẳng, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện; được tạo điều kiện trong học tập, tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; được hưởng chính sách đối với người học thuộc đối tượng ưu tiên và chính sách xã hội…
TS.Vũ Xuân Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề
Theo TCDN