1. Thông tin chức năng, nhiệm vụ, nghề đào tạo:
a. Chức năng:
Khoa Công nghệ ô tô có chức năng quản lý hành chính, quản lý chất lượng dạy nghề, nghiên cứu khoa học, triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch được giao và quản lý cơ sở vật chất được trang bị trong khoa.
Khoa cùng với các cơ quan có liên quan giúp Ban Giám Hiệu triển khai, quán triệt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước tới toàn bộ cán bộ, giáo viên và học viên trong phạm vi Khoa quản lý.
b. Nhiệm vụ:
Thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập và các hoạt động ngoại khóa theo chương trình, kế hoạch hàng năm của nhà trường đối với hai mã nghề Công nghệ ô tô và sửa chữa xe máy theo 3 cấp trình độ; giảng dạy mô đun Điều hòa nhiệt độ ô tô cho mã nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí của Khoa Điện.
Thực hiện việc biên soạn chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề các chuyên ngành hiện có trong Khoa; tổ chức nghiên cứu đổi mới nội dung, cập nhật các kiến thức mới và cải tiến phương pháp dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong Khoa.
Thực hiện các hoạt động thực nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào quá trình dạy nghề.
Quản lý giáo viên, nhân viên, người học thuộc khoa Công nghệ ô tô:
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu cả về số và chất lượng phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý của khoa.
Quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang, thiết bị dụng cụ theo đúng quy định của Hiệu trưởng; đề xuất, xây dựng các kế hoạch bổ sung, bảo trì, bảo dưỡng các trang, thiết bị và dụng cụ dạy nghề theo đúng quy định của công tác kỹ thuật.
Quản lý, lưu trữ hồ sơ các khóa học thuộc chuyên ngành Khoa đào tạo và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định của Nhà trường.
Tận dụng cơ sở vật chất được trang bị, kết hợp thực hành với sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng học tập và mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm thiểu các chi phí đào tạo cho Khoa, cho Nhà trường.
Cùng với các đơn vị có liên quan, tham gia quản lý toàn diện học sinh thuộc các chuyên ngành đào tạo trong Khoa.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ khác do Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường và ban giám hiệu giao phó.
c. Ngành nghề đào tạo:
Khoa Công nghệ ô tô hiện nay đang đào tạo 2 mã nghề: Công ngệ ô tô và Sửa chữa xe gắn máy với 03 cấp trình độ:
– Trình độ Cao Đẳng nghề gồm:
Cao Đẳng nghề Công nghệ ô tô: Thời gian đào tạo 36 tháng;
Liên thông từ Sơ, Trung cấp nghề Công nghệ ô tô lên Cao Đẳng nghề Công nghệ ô tô: Thời gian đào tạo từ 12 và 24 tháng;
– Trình độ Trung cấp nghề gồm:
Trung cấp nghề Công nghệ ô tô: Thời gian đào tạo 24 tháng;
Liên thông từ Sơ cấp nghề Công nghệ ô tô lên Trung cấp nghề Công nghệ ô tô: Thời gian đào tạo 12 tháng;
– Trình độ Sơ cấp nghề gồm:
Sơ cấp nghề Công nghệ ô tô: Thời gian đào tạo 09 tháng.
Sơ cấp nghề Sửa chữa xe máy: Thời gian đào tạo 06 tháng.
2. Mốc thời gian thành lập:
Khoa Công nghệ ô tô được thành lập ngày 28 tháng 02 năm 2012 trên cơ sở chia tách ra từ Khoa ô tô – xe máy công trình trước đây:
Biên chế của khoa gồm có 10 cán bộ, giáo viên (01 nữ); trong đó có 01 Trưởng khoa; 01 Giáo vụ khoa và 08 Giáo viên với các cấp trình độ như sau:
Trình độ kỹ sư: 04 đ/c;
Trình độ cử nhân đại học sư phạm kỹ thuật: 03đ/c;
Trình độ trung cấp kỹ thuật: 02đ/c;
Trình độ chuyên viên kỹ thuật, thợ bậc cao: 01đ/c.
3. Thành tích đạt được qua các năm:
Tính đến nay, Khoa đã đào tạo được 08 lớp sơ cấp nghề Công nghệ ô tô; 27 lớp sơ cấp nghề Sửa chữa xe máy; 10 lớp trung cấp nghề Công nghệ ô tô và 02 lớp liên thông trung cấp Công nghệ ô tô, với tổng số học viên đã ra trường là 1639 em.
Hiện nay Khoa đang tiếp tục đào tạo 03 lớp sơ cấp nghề: gồm 01 lớp sơ cấp nghề Sửa chữa xe máy và 02 lớp sơ cấp nghề Công nghệ ô tô; 03 lớp trung cấp nghề Công nghệ ô tô và 04 lớp cao đẳng nghề Công nghệ ô tô với tổng số học sinh đang theo học tại khoa là 208 Em. Trong những năm qua Khoa đã có 02 đ/c giáo viên tham gia thi và đạt chuẩn giáo viên dạy nghề giỏi cấp tỉnh, một đ/c giáo viên đạt chuẩn giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân.
Hàng năm Khoa đều tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện cho các học sinh tham gia thi tay nghề giỏi cấp tỉnh và năm nào cũng đều có học sinh đạt giải cao; đặc biệt, năm 2013 vừa qua, khoa tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện cho 02 học sinh tham gia thi học sinh giỏi nghề khối các trường Cao Đẳng và Trung cấp nghề của Tỉnh Thái Nguyên, kết quả, cả hai Em đều đạt giải, trong đó 01 Em đạt giải nhất và 01 Em đạt giải ba.
Công tác nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế và cải tiến kỹ thuật đã được Khoa đặc biệt trú trọng quan tâm, đến nay, Khoa đã chế tạo được rất nhiều các thiết bị, mô hình, học cụ đưa vào giảng dạy và ứng dụng trong thực tế sản xuất, sửa chữa đạt hiệu quả cao.
Ví dụ : Mô hình hoạt động của relay PC-57; Sa bàn kiểm thử chất lượng máy phát điện, máy khởi động sau sửa chữa; thiết bị làm sạch cổ đồng của các máy điện ô tô; thiết bị kiểm thử bơm thấp áp…vv.
4. Hướng phát triển (mục tiêu của Khoa Công nghệ ô tô):
Hiện nay Khoa Công nghệ ô tô đang được nhà trường đầu tư, xây dựng đạt tiêu chuẩn của cơ sở dạy nghề trình độ cấp quốc gia, và tương lai sẽ xây dựng Khoa trở thành một trong các Khoa đào tạo nghề đạt trình độ chuẩn cấp khu vực. Đó là một niềm vinh dự và tự hào lớn đối với Khoa, song cũng đặt ra trước Khoa những khó khăn, thách thức vô cùng to lớn.
Để đạt được các mục tiêu trên, Khoa đề ra phương hướng, lộ trình cho thời gian tới như sau:
1- Trước tiên, cần phải chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên, nâng cao năng lực dạy nghề của Khoa cả về mặt số lượng và chất lượng: kiện toàn về cơ cấu, số lượng giáo viên, nâng cao năng lực của giáo viên cả về trình độ, kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm, kỹ năng dạy nghề…vv.
Muốn vậy, mỗi giáo viên trong khoa cần phải nỗ lực tự học, tự tu dưỡng, tích cực nghiên cứu, cập nhật các kiến thức mới để nâng cao nhận thức về chuyên ngành cho bản thân, đồng thời bổ sung vào giáo trình, bài giảng sao cho nội dung giảng dạy sát với thực tế, ngang và trên tầm so với trình độ khoa học kỹ thuật trên địa bàn và trong khu vực.
Về phía tổ chức, Khoa sẽ lập kế hoạch, giao nhiệm vụ nghiên cứu các chuyên đề khoa học (thuộc lĩnh vực chuyên ngành) đến từng giáo viên, tổ chức hội thảo từng chuyên đề, thống nhất về quy mô, nội dung. Từ đó, cập nhật thường xuyên vào chương trình, giáo trình để nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, Khoa sẽ kiến nghị với các cơ quan các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi để cho giáo viên trong Khoa được tiếp cận với các công nghệ mới với nhiều hình thức như: tập huấn chuyên ngành tại các cơ sở sản xuất, dạy nghề hiện đại, có nhiều kinh nghiệm thực tế, thâm niên nghề nghiệp cao; tiếp xúc trực tiếp với công nghệ mới bằng cách trực tiếp sửa chữa trong các giờ hướng dẫn thực hành hoặc mở xưởng, gara, kết hợp giữa đào tạo và kinh doanh sửa chữa các dòng xe hiện đại phổ biến trên địa bàn, khu vực hiện nay…vv.
2- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị, đồ dùng học tập đáp ứng với nhu cầu đào tạo:
Trước hết, cần củng cố và xây dựng thêm các phòng học chuyên môn hóa, chuyên dùng; trang bị thêm các trang thiết bị, dụng cụ và đồ dùng học tập có chất lượng cao, phù hợp với nội dung, chương trình đào tạo.
Tiếp cận dần với thực tế sản xuất sửa chữa, tiến tới đầu tư, xây dựng xưởng thực hành, gara chuyên sửa chữa các dòng xe hiện đại với mục tiêu nhằm nâng cao trình độ cho giáo viên, nâng cao chất lượng học tập cho học viên, đồng thời góp phần giảm thiểu các chi phí đào tạo cho khoa nói riêng và cho nhà trường nói chung.