Từ 2 – 3,5 năm, người học vừa có trình độ văn hóa THPT vừa có kỹ năng nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động. Con đường học nghề dành cho học sinh hết lớp 9 nhưng không vào lớp 10 công lập rộng mở.
Hiện nay ở nước ta đang xảy ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” là rất nghiêm trọng. Đại đa số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thi vào đại học như một lối thoát duy nhất. Xu hướng đã càng trở nên tốn kém thời gian, tiền bạc hơn khi đua nhau đi học cao học để có bằng thạc sĩ, đến nỗi đây là xu hướng trở nên phổ cập. Đã có bằng thạc sĩ thì nhiều người bước tiếp lên tiến sĩ, dù họ không có nhu cầu nghiên cứu khoa học, khiến nước ta trở thành quốc gia có số tiến sĩ cao bậc nhất Đông Nam Á, với trên 24.500 người.
Tuy nhiên, chất lượng không tương đồng với số lượng, dẫn đến sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không tìm được việc làm đúng kiến thức được đào tạo, nhiều kỹ sư, cử nhân phải chọn nghề khác để kiếm sống. Nhiều người tìm được việc làm nhưng kiến thức được đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của đơn vị tuyển dụng, dẫn đến phải đào tạo lại.
Bên cạnh đó, cần truyền thông tốt để thay đổi những nếp nghĩ của phụ huynh và xã hội lâu nay về bằng cấp. Người Việt có truyền thống hiếu học, nhưng hiện nay có xu hướng lệch lạc thành bệnh chuộng bằng cấp, không chuộng thực chất. Chính vì chạy theo bằng cấp mà nhiều gia đình cực nhọc cho con theo học đại học trong khi năng lực không giỏi, ra trường không kiếm được việc làm, gây lãng phí rất lớn.
Một thực tế nữa là học phí đại học ngày càng cao, trong khi học phí các trường đào tạo nghề thấp hơn rất nhiều. Học phí thấp nhưng nếu các em theo học phân luồng sớm, hết lớp 9 vào học nghề thì 18, 19 tuổi, đã có thể gia nhập thị trường lao động, có lương đủ sống, sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội. Với thị trường lao động cạnh tranh, những người thợ có tay nghề tốt sẽ kiếm được việc làm có mức lương cao và sự tôn trọng của xã hội. Hơn nữa, các em vẫn có thể vừa làm, vừa học thêm để có bằng cao hơn.
Thực tế của cuộc sống đòi hỏi phải tạo cơ hội cho các bạn trẻ học nghề để lập nghiệp, từ đó sẽ góp phần chấm dứt tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, không lãng phí nguồn lực xã hội.
Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) có những điều khoản tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Trong đó, mở đường cho học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn.
Người học tốt nghiệp THCS khi tham gia học trung cấp nghề, kết hợp với học 4 môn văn hóa theo quy định(thay vì học 7 môn văn hòa như hiện nay và phải thi đạt tốt nghiệp THPT) được học liên thông lên trình độ cao đẳng.
Mô hình này có rất nhiều ưu điểm:
Thứ nhất là tiết kiệm chi phí và thời gian. Nếu các em chọn phương án là từ THCS lên THPT sau đó mới học trung cấp, học cao đẳng thì thời gian sẽ dài hơn, phải đến 5 – 6 năm các em mới có thể tốt nghiệp THPT và có bằng cao đẳng, học phí sẽ mất nhiều hơn. Nhưng nếu học theo mô hình của giáo dục nghề nghiệp Chương trình 9+ thì các em tốt nghiệp THCS theo học 1 – 2 năm trung cấp theo luật quy định sẽ cùng lúc học cả văn hóa học cả học nghề. Sau đó có thể 1 -2 năm nữa sẽ có bằng CĐ khi các em thi đủ và đảm bảo được khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thứ hai là rút ngắn thời gian tiếp cận việc làm của các em. Bởi trong quá trình học nghề các em đã có thể tiếp cận doanh nghiệp, phong cách làm việc của doanh nghiệp cũng như đã có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền giúp đỡ gia đình khi tham gia các hoạt động cùng doanh nghiệp.
Thứ ba đặc biệt hơn nữa là với chương trình 9+ các em sẽ được tiếp cận các kỹ năng mềm rất tốt. Trước kia phần kỹ năng mềm trong dạy nghề chưa được chú trọng nhiều, nhưng bây giờ những chương trình về khởi nghiệp, về kỹ năng mềm, về làm việc nhóm, ngoại ngữ v.v… đều được chú trọng và đào tạo.
Thứ tư là các em có thể thỏa mãn nhu cầu học liên thông lên trình độ cao hơn(Cao đẳng, Đại học) khi đã đảm bảo các điều kiện theo các quy định, các văn bản pháp luật của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng như của Luật Giáo dục Nghề nghiệp.
Trong nhiều năm qua trường cao đẳng nghề số 1 – Bộ Quốc Phòng thực hiện đào tạo thí điểm liên thông trình độ cao đẳng cho các em ngay sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề. Quá trình học liên thông Cao đẳng các em vẫn thực hiện hoàn thành học văn hóa và tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, sau khi thi xong tốt nghiệp THPT Quốc gia các em phải học thêm 6 tháng nữa mới tốt nghiệp trình độ Cao đẳng và ra trường.
Với mô hình đào tạo này đói với các em học liên thông lên Cao đẳng cũng đã rút ngắn được thời gian đào tạo xuống 6 tháng, nhưng các em vẫn phải học đủ 7 môn văn hóa và phải học tại trường 3, 5 năm mới có bằng tốt nghiệp Cao đẳng.
Thực hiện Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) và chủ trương đào tạo mô hình 9+ của Bộ LĐTH& XH. Năm học 2020 -2021 Nhà trường tổ chức đào tạo cho các em đã tốt nghiệp THCS(hết lớp 9) vào học trình độ Cao đẳng( các em được học trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp sẽ học liên thông lên cao đẳng).
Thời gian học 2,5 – 3 năm, các em chỉ phải học hoàn thành 4 môn văn hóa theo quy định, không tham gia thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Khi các em học chương trình Trung cấp nghề được miễm học phí, các em chỉ phải đóng học phí khi học liên thông lên Cao đẳng. Như vậy khi tham gia học chương trình học này các em tốt nghiệp THCS(hết lớp 9) sẽ rút ngắn được thời gian đào, giảm chi phí và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên đại học sau này.
Mô hình đào tạo 9+ được xem như một giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” mà Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.
Đối với học sinh, Mô hình 9+ là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Thay vì mất thêm 3 năm theo học PTTH, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp đại học sau này.
* Chi tiết liên hệ tại địa chỉ: – Ban Tuyển sinh Trường Cao đẳng nghề số 1 – Bộ Quốc phòng.
Số 233, đường Quang Trung – Tổ 8 – P. Tân Thịnh – TP. Thái Nguyên – T. Thái Nguyên.
Facebook: truong1bqp.edu.vn.
Website: truong1bqp.edu.vn
Số điện thoại: Điện thoại tư vấn: 0969 593 903 – 0915.047.366 – 0983.140.775.