Hội thảo “ Đổi mới chính sách về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2025 ” tại Hà Nội do Tổng cục Dạy nghề tổ chức vào sáng ngày 16/6/2016
Hội thảo “ Đổi mới chính sách về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2025 ” nhằm trao đổi, thảo luận các nội dung và đề xuất các ý kiến đổi mới, phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2016-2025 trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ Kỹ thuật chuẩn bị cho Dự án “Chương trình Kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện” dự kiến sẽ được ADB tài trợ bắt đầu từ năm 2017.
Tham dự hội thảo “ Đổi mới chính sách về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2025 ” có đại diện các tổ chức ADB, GIZ; Đại diện các Bộ Công thương, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, các trường Cao đẳng nghề thụ hưởng dự án; Về phía Tổng cục Dạy nghề có TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng; Bà Mai Thúy Nga, Phó Tổng Cục trưởng và đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng Cục Dạy nghề.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo “ Đổi mới chính sách về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2025 ”, Bà Mai Thúy Nga, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, để đổi mới và phát

triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết và cần nhiều nguồn lực, bên cạnh các nguồn lực trong nước, Việt Nam rất cần các nguồn lực từ nước ngoài, đặc biệt là từ các nhà tài trợ lớn như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các dự án được ADB hỗ trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi được triển khai trong thời gian qua rất hiệu quả cho hệ thống GDNN Việt Nam, như: Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề mang tính định hướng, mở đường, cải cách hệ thống đào tạo nghề Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo của 15 trường trọng điểm; Dự án Đào tạo nghề theo nhu cầu nhằm giảm nghèo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (JFPR- nguồn Quỹ giảm nghèo của Nhật bản), Dự án tăng cường kỹ năng nghề củng cố, nâng cấp hệ thống dạy nghề và xây dựng mô hình (15 trường trọng điểm) cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng cung của thị trường lao động và doanh nghiệp; Với sứ mệnh phục vụ phát triển của các quốc gia thành viên, ADB đã hiểu được vị trí, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay của Việt Nam. Vì vậy, ADB đã tiếp tục cam kết hỗ trợ dự án “Chương trình Kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện”, nhằm góp phần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đổi mới và phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt nam trên thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong 10 năm tới (2016-2025).

Phát biểu đề dẫn Hội thảo “ Đổi mới chính sách về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2025 ”, ông Wolfgang
Kubizki, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng phát triển Châu Á nêu rõ: Thực tế cho thấy, lực lượng lao động sẽ có sự dịch chuyển mạnh từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực khác. Đòi hỏi chính phủ cần có chính sách và phải tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, để họ có kỹ năng mới khi tham gia vào thị trường lao động. Do vậy, cần có một khung chính sách, có một cơ chế hoạt động chung thống nhất trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nhận thức được vấn đề này, ADB tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách đào tạo, chương trình phát triển kỹ năng. Trong quá trình nghiên cứu, ADB tạm đưa ra 15 nhóm chính sách về Củng cố xây dựng khung chính sách, hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại chất lượng cao, hệ thống chính sách gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp…, thông qua các dự án khác nhau và xác định công việc, lĩnh vực cần phải tiến hành theo lộ trình. ADB muốn tham vấn và mong nhận được các ý kiến đóng góp tích cực từ Hội thảo để hoàn thiện các nhóm chính sách một cách xác thực và hiệu quả nhất.
Hội thảo “ Đổi mới chính sách về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2025 ” đã nghe các chuyên gia của ADB và Tổng cục Dạy nghề trình bày về Khung thiết kế và giám sát sơ bộ của dự án, các nội dung mới trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, chủ trương chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và Đề xuất đổi mới chính sách về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2025. Các ý kiến phát biểu tham luận tại Hội thảo “ Đổi mới chính sách về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2025 ” đều nhất trí cho rằng phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay là đòi hỏi cấp thiết, cần có sự tham gia của các cấp, các ngành. Những đề xuất về chính sách của ADB là hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Nguồn: tcdn.gov.vn