Cổng TTĐT Trường Cao đẳng nghề số 1 – BQP trân trọng giới thiệu diễn văn của đồng chí Thượng tá Phạm Văn Hòa – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường tại lễ Kỷ niệm 50 ngày truyền thống trường Cao đẳng nghề số 1 – BQP và đón nhận Huân chương lao động hạng nhì
Kính thưa đồng chí Huỳnh Văn Tí – Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH!
Kính thưa đồng chí Thượng tướng Phạm Xuân Hùng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng – Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam!
Kính thưa các đồng chí Thủ trưởng, nguyên Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 1! Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn!
Kính thưa các đồng chí Thủ trưởng Cục Nhà trường/BTTM, lãnh đạo các sở ban ngành các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp!
Kính thưa các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí!
Ngày này cách đây vừa tròn 50 năm, ngày 03/7/1965 Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-TM thành lập Trường Lái xe Quân khu Việt Bắc – tiền thân của Trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ Quốc phòng ngày nay.
Hôm nay, được sự nhất trí của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, Trường Cao đẳng nghề số 1-Bộ Quốc phòng long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì.
Trong ngày lễ trọng đại này, các thế hệ thầy và trò nhà trường rất vui mừng và vinh dự được đón đồng chí Huỳnh Văn Tí – Ủy viên BCH trung ương Đảng – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH!
Thay mặt cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường xin kính chúc đồng chí luôn dồi dào sức khỏe, thường xuyên quan tâm tới cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên nhà trường!
Nhà trường rất vui mừng và tự hào được đón các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng, nguyên Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu, đại biểu là lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn, Thủ trưởng Cục Nhà trường, các sở ban ngành, các đồng chí lãnh đạo thành phố, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các đồng chí nguyên là lãnh đạo nhà trường, các bác, các anh, các chị cựu cán bộ viên chức, các vị khách quý. Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo, các quý vị khách quý là nguồn động viên to lớn để thầy và trò phát huy truyền thống, đoàn kết, phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu khách quý đã luôn quan tâm, giúp đỡ nhà trường trong thời gian qua, và hôm nay dành thời gian về dự Lễ Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống nhà trường. Xin kính chúc các quý vị đại biểu khách quý luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Kính thưa quý vị đại biểu khách quý!
Thưa các đồng chí cán bộ, giáo viên, công nhân viên và các em học sinh, sinh viên!
Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt vào các tỉnh thuộc Quân khu 4, mở rộng ra Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Miền Bắc nước ta. Quân khu Việt Bắc chủ trương phát triển lực lượng, tăng cường tổ chức biên chế cho các đơn vị theo yêu cầu chống chiến tranh phá hoại và tham gia chi viện cho chiến trường. Nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng phòng không cả ba thứ quân được tổ chức, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống. Do lực lượng vũ trang Quân khu phát triển nhanh và yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 03 tháng 7 năm 1965, Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam ra quyết định số 52/QĐ-TM thành lập Trường Lái xe Quân khu Việt Bắc, nhiệm vụ nhà trường là đào tạo chiến sỹ lái xe cho Quân khu và Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở tiếp nhận toàn bộ khung tiểu đoàn và 38 xe ô tô huấn luyện từ Quân khu 4 đang trên đường hành quân đi huấn luyện lái xe dã ngoại ở Thái Nguyên. Thực hiện quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo mọi mặt để thành lập, xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, bãi tập, nơi ăn ở, sinh hoạt để bước vào đào tạo chiến sĩ lái xe. Ngày 25 tháng 10 năm 1965, Quân khu tiếp nhận đầy đủ Tiểu đoàn lái xe của Quân khu 4, tiến hành thành lập Trường Lái xe Quân khu Việt Bắc. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa sâu sắc đánh dấu sự ra đời, phát triển của đơn vị đào tạo chiến sĩ lái xe. Ngày đầu thành lập, nhà trường gồm có: 161 cán bộ, chiến sĩ; phương tiện trang bị có 53 xe các loại, 1 xe con chỉ huy. Các đầu mối đơn vị trực thuộc gồm: 4 đại đội huấn luyện, mỗi đại đội được biên chế 36 cán bộ, chiến sĩ, trong đó, có 4 giáo viên lý thuyết, 13 giáo viên tay lái, 1 thợ sửa chữa, 1 nhân viên vật tư.
Sau khi được thành lập, Bộ Tư lệnh Quân khu giao cho nhà trường huấn luyện đào tạo khóa lái xe đầu tiên cho Quân khu với số lượng là 400 học viên; đồng thời kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nhà trường, tăng gia sản xuất…Trong điều kiện yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi khẩn trương, nơi ăn, chốn ở gặp nhiều khó khăn. Song, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu và tạo điều kiện của các cơ quan, nhà trường nhanh chóng triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Ngay trong tháng 10 năm 1965, nhà trường đã tổ chức tiếp nhận và tiến hành huấn luyện 400 học viên; trong đó 200 chiến sĩ thuộc Quân khu Việt Bắc, 200 chiến sĩ thuộc Quân khu 4. Mục tiêu của khóa đầu tiên là: khi học viên tốt nghiệp ra trường phải có trình độ tay lái tốt, bổ sung ngay cho các đơn vị và chiến trường miền Nam. Trong điều kiện vừa huấn luyện, vừa xây dựng doanh trại, nơi ăn chốn ở, nhà kho, phòng học, nhưng sau 3 tháng nhà trường đã hoàn thành đầy đủ nội dung chương trình đạo tạo khóa đầu tiên. Kết quả kiểm tra: 95% học viên đạt yêu cầu, trong đó có 65% khá giỏi; 100% học viên tốt nghiệp ra trường đều yên tâm, phấn khởi vào chiến trường và đi các đơn vị theo yêu cầu điều động của Quân khu.
Sau hơn 3 năm huấn luyện, đến năm 1968, nhà trường đã đào tạo 10 khóa với 5.000 học viên tốt nghiệp ra trường. Lúc này, đội ngũ lái xe của Bộ và Quân khu khá dồi rào. Căn cứ vào nhu cầu lái xe của Quân khu, tháng 12 năm 1968, thực hiện chủ trương của trên, Quân khu quyết định rút gọn Trường Lái xe Việt Bắc thành Đội Huấn luyện. Tổ chức biên chế gồm 5 trung đội và 1 cơ quan đội, địa bàn đóng quân thuộc xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Nhằm đáp ứng kịp thời cho yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 27 tháng 2 năm 1971, thực hiện quyết định của Tư lệnh Quân khu, Đội Huấn luyện lái xe mở rộng thành Trường Lái xe Quân khu Việt Bắc. Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển của nhà trường đáp ứng tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nhiệm vụ nhà trường có sự thay đổi, tạm thời không đào tạo chiến sĩ lái xe mà chuyển sang bổ túc tay lái, nâng bậc, chuyển hạng cho các lái xe đã qua đào tạo đã có thực tế lái xe ở các đơn vị nay nâng bậc chuyển hạng cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngày 26 tháng 5 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ra sắc lệnh tách các tỉnh thuộc Quân khu Tây Bắc cũ và 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên ra khỏi Quân khu 1 để thành lập Quân khu 2. Sáp nhập tỉnh Quảng Ninh và Hà Bắc thuộc Quân khu 3 vào Quân khu 1. Lúc này Quân khu 1 có 4 tỉnh: Bắc Thái, Quảng Ninh, Hà Bắc và Cao Lạng. Theo chủ trương chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đơn vị nào thuộc địa bàn Quân khu nào thì thuộc quân khu ấy. Thời điểm này, Trường Lái xe Quân khu 1 đóng quân trên địa bàn Quân khu 2, theo chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, nhà trường ở lại toàn bộ đội hình và đổi tên thành Trường Lái xe Quân khu 2. Lúc này, Quân khu 1 không có trường lái xe mà chỉ duy trì một Đội Huấn luyện đào tạo chiến sĩ lái xe do Trung đoàn 651 quản lý điều hành đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cục Hậu cần Quân khu.
Ngày 23 tháng 3 năm 1979, Chủ nhiệm Cục Hậu cần Quân khu ra quyết định số 384 về tổ chức Trường Lái xe. Quyết định nêu rõ: Nay tách Đội Huấn luyện Lái xe ra khỏi Trung đoàn 651 để tổ chức thành Trường Lái xe trực thuộc Cục Hậu cần theo quyết định của Bộ Tư lệnh Quân khu. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bổ túc các loại xe ô tô, vận tải, xe con, xe cẩu các loại, xe vận tải chuyên dùng khác. Khi cần thiết có thể đào tạo chiến sĩ lái xe ô tô và tổ chức trường thi để kiểm tra sát hạch tay lái các loại lái xe nói trên cho Quân khu, mỗi năm mở 2 khóa, mỗi khóa từ 600-720 học viên.
Thực hiện chỉ đạo của trên tháng 8 năm 1991, Quân khu có quyết định số 315/QĐ-TM ngày 27 tháng 8 năm 1991 do Thiếu tướng Phạm Quang Bào-
Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu ký. Nội dung quyết định là rút gọn Trường lái xe Quân khu 1 xuống thành Đội huấn luyện bổ túc tay lái thuộc Cục Kỹ thuật Quân khu 1. Với chức năng nhiệm vụ là bổ túc lái xe tác chiến, tổ chức thi nâng bậc, giữ bậc lái xe quân sự cho Quân khu. Cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường được điều chuyển về các đơn vị trong Quân khu. Biên chế nhà trường giảm mạnh từ quân số hơn 100 xuống chỉ còn 30 đồng chí. Đây là thời gian thực hiện nhiệm vụ rất khó khăn của nhà trường, việc rút gọn trường xuống thành Đội huấn luyện đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng cán bộ, giáo viên và nhân viên, nhất là các đồng chí giáo viên có trình độ và kinh nghiệm đã góp công sức xây dựng trường nhiều năm nay. Nắm được tình hình trên, chi bộ và chỉ huy Đội huấn luyện đã có phương pháp tuyên truyền phù hợp, lãnh đạo chặt chẽ công tác nhân sự, vừa giữ vững được đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm và tay nghề tốt, vừa bố trí chuyển đổi nhiệm vụ rút gọn xuống thành Đội huấn luyện không để xáo trộn về nhiệm vụ và tư tưởng của cả người đi và người ở lại. Cuối năm 1991, đầu năm 1992 Đội huấn luyện lái xe Cục kỹ thuật Quân khu đã có nhiều nỗ lực cố gắng vừa củng cố biên chế tổ chức vừa thực hiện chức năng nhiệm vụ là bổ túc lái xe tác chiến cho các lái xe và tổ chức hai đợt thi nâng bậc, giữ bậc lái xe quân sự theo kế hoạch của Quân khu bảo đảm chặt chẽ đúng kế hoạch.
Tháng 6 năm 1992, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Đội huấn luyện bổ túc tay lái, Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật giao thêm nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất ý kiến tổ chức về mô hình Câu Lạc Bộ ô tô, mô tô của Quân khu. Chỉ huy Đội huấn luyện đã tích cực nghiên cứu các chỉ thị và văn bản của Bộ Quốc phòng, của Bộ Tổng tham mưu và nghiên cứu tham khảo hình thức, phương pháp hoạt động của Câu lạc bộ ô tô, mô tô của Quân khu 3. Qua một thời gian nghiên cứu và xây dựng đề án thành lập Câu lạc bộ ô tô, mô tô Quân khu 1, các đồng chí chỉ huy Đội huấn luyện đã đề cập khá rõ, chi tiết từng nhiệm vụ của một câu lạc bộ ô tô, mô tô là: Tập hợp các đồng chí yêu ngành, yêu nghề lái xe thành một Câu lạc bộ, với nhiệm vụ đào tạo lái xe, đào tạo thợ ngành xe, bổ túc tay lái, thi nâng bậc lái xe cho Quân khu và những người yêu thích nghề lái xe trong và ngoài quân đội. Bản đề án cũng đề cập nhiều đến vấn đề thực hiện mục tiêu xây dựng Câu lạc bộ từ công tác tuyển sinh, phương pháp tổ chức huấn luyện, công tác bảo đảm các mặt, quy mô tổ chức, quy chế sát hạch thi tốt nghiệp ra trường. Đặc biệt bản đề án xây dựng Câu lạc bộ ô tô, mô tô đề cập rất rõ và chi tiết mục tiêu đào tạo lái xe dân sự cho các địa phương, cho nền kinh tế quốc dân, với phương châm học viên tự đóng góp kinh phí đào tạo. Chỉ huy Đội huấn luyện bổ túc tay lái Cục kỹ thuật đã bảo vệ thành công Đề án xây dựng Câu lạc bộ ô tô, mô tô Quân khu 1 trước thủ trưởng Cục Kỹ thuật và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu. Đề án đã được trình lên Bộ Quốc phòng và Câu lạc bộ ô tô, mô tô được thành lập trên cơ sở của Đội huấn luyện; theo quyết định số 548/QĐ-TM ngày 26 tháng 12 năm 1992 do Trung tướng Đỗ Văn Đức- Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký.
Nhiệm vụ của Câu lạc bộ là bổ túc lái xe tác chiến, thi nâng giữ bậc lái xe quân sự, thợ sửa chữa xe cho quân đội khi có nhu cầu; Đào tạo lái xe, thợ sửa chữa xe cho thanh niên chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ quân sự và đào tạo thợ theo hợp đồng kinh tế cho mọi đối tượng và cơ quan ngoài quân đội có nhu cầu theo nguyên tắc tự nguyện theo quy định của Nhà nước.
Trong thời gian này do yêu cầu của xã hội rất cần những lao động có tay nghề thuộc các ngành nghề khác nhau, trong khi đó các cở sở dạy nghề trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ và người lao động trên địa bàn Quân khu, xét đề nghị của Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên Câu lạc bộ mô tô – ô tô quân khu 1 thành Trung tâm Xúc tiến việc làm Quân khu 1 theo Quyết định số: 303/QĐ-BQP ngày 07 tháng 6 năm 1994. Từ đây Trung tâm Xúc tiến việc làm bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mở cửa hội nhập cùng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, được phát triển và mở rộng đào tạo các ngành nghề mà xã hội yêu cầu. Trong giai đoạn này ngoài nhiệm vụ chính trị trung tâm là đào tạo lái xe quân sự, bổ túc, thi nâng giữ bậc lái xe cho toàn Quân khu, Trung tâm đã mở thêm đào tạo nhiều ngành khác mà xã hội yêu cầu như: lái xe mô tô – ôtô dân sự, nghề cơ khí điện, điện dân dụng, tin học, chụp ảnh, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động trong nước và nước ngoài.
Để tạo điều kiện cho các Trung tâm dịch vụ việc làm các Quân khu tiếp tục mở rộng và phát triển. Ngày 27 tháng 10 năm 1997 Bộ trưởng Bộ quốc phòng ra Quyết định số 1444/QĐ-QP về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ việc làm Quân khu 1, trên cơ sở Trung tâm Xúc tiến việc làm Quân khu 1.
Ngày 27 tháng 6 năm 2002 Bộ trưởng quốc phòng có Quyết định số: 85/2002/QĐ – BQP về việc thành lập Trường dạy nghề số 1- Bộ quốc phòng trên cở sở nâng cấp Trung tâm Dịch vụ việc làm Quân khu 1. Chức năng, nhiệm vụ nhà trường là: Tổ chức dạy nghề chính quy, dài hạn, ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề, gắn với tạo việc làm, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, tuyển lao động cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động hợp pháp trong và ngoài nước. Tổ chức sản xuất và dịch vụ nhằm tạo việc làm tại chỗ, tận dụng cơ sở, vật chất, trang bị kỹ thuật; kết hợp dạy nghề và bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề, chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao.
Ngày 05 tháng 4 năm 2007, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có Quyết định số 49/2007/QĐ-BQP về việc thành lập Trường Trung cấp nghề số 1- Bộ Quốc phòng thuộc Quân khu 1, trên cơ sở nâng cấp Trường dạy nghề số 1- Bộ Quốc phòng. Đây là một mốc son, một bước ngoặt quan trọng khẳng định nhà trường có đủ uy tín, năng lực, cở sở pháp lý để phát triển đi lên. Đồng thời, đây cũng là nguồn cổ vũ động viên to lớn để cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường phấn khởi, an tâm công tác, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Vinh dự đến với nhà trường, ngày 04 tháng 5 năm 2010, được đón đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc với nhà trường. Đồng chí Bộ trưởng dành thời gian thăm các lớp học nghề, thăm nơi học tập và sinh hoạt của học viên. Phát biểu với cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường Bộ trưởng đã khen ngợi: “Trường Trung cấp nghề số 1- Bộ Quốc phòng là trường có uy tín, năng lực đào tạo, là mô hình mẫu về đào tạo nghề trên địa bàn Quân khu 1. Thời gian qua tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ hàng năm. Công tác tuyển sinh, đào tạo được củng cố và đi vào nền nếp xây dựng môi trường thân thiện, học sinh tích cực. Cở sở vật chất thường xuyên được đầu tư bảo đảm cho các nhiệm vụ huấn luyện và dạy nghề. Nhà trường đã chủ động dám nghĩ, dám làm, luôn đổi mới tư duy và hành động trong việc xây dựng nhà trường phát triển mạnh và bền vững. Cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường luôn đoàn kết trên dưới một lòng cùng phấn đấu đưa nhà trường cùng tiến lên”.
Qua báo cáo của nhà trường, đồng chí Bộ trưởng rất vui mừng khi biết rằng: tổng tài sản và quỹ vốn của nhà trường năm 2010 tăng gấp 5 lần so với năm 2006. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 2 lần. Thương hiệu, uy tín của nhà trường ngày một nâng cao, học sinh ngày càng đông, tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp cao, có ngành nghề 100% học viên đều tìm được việc làm. Thay mặt cho Đảng ủy quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng chí Bộ trưởng đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích của cán bộ, giáo viên và công nhân viên chức nhà trường. Về phương hướng thời gian tới Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phải thực hiện bằng được lộ trình của đề án nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ Quốc phòng trong năm 2010. Chú trọng bồi dưỡng và tuyển dụng đội ngũ giáo viên có trên 30% sau đại học 3-5% có học vị Tiến sỹ, 30% thành thạo tiếng Anh, 80% thời lượng giảng bài bằng điện tử. Sau 5 năm tới tài sản phục vụ dạy nghề tăng từ 50% đến 100%, thu nhập của cán bộ, giáo viên và nhân viên tăng lên gấp 2 lần, đời sống tinh thần nâng cao, dân chủ đoàn kết ngày càng sâu rộng và bền vững”.
Căn cứ vào đề nghị của Quân khu 1 và Bộ Quốc phòng, ngày 04 tháng 5 năm 2011, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ký Quyết định số 533/LĐ-TBXH về việc thành lập Trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ quốc phòng trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp nghề số 1- Bộ Quốc phòng. Đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của nhà trường, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giáo viên, chiến sỹ, công nhân viên chức và học sinh trong suốt mấy chục năm qua. Đồng thời, khẳng định sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nhà trường đã đi đúng hướng, phát triển không ngừng, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội và quân đội trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Từ đây, nhà trường hội nhập cùng hệ thống các trường dạy nghề và liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc.
Kính thưa quý vị đại biểu khách quý!
Kính thưa các đồng chí!
Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các cơ sở đào tạo nghề. Cộng đồng kinh tế sẽ mở ra một thị trường lao động bình đẳng, sôi động và tiềm năng. Tuy nhiên, đối với các cơ sở đào tạo nghề sẽ gặp một thách thức không nhỏ khi mà lao động của các thành viên trong khối được phép di chuyển tự do trong thị trường chung. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề (trong đó có nhà trường) không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng đào tạo thì mới có thể đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Nhận thức rõ điều đó, những năm gần đây Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã lãnh đạo nhà trường chủ động có những bước đi quan trọng chuẩn bị cho hội nhập. Phương châm của nhà trường trong giai đoạn này là: “Đoàn kết – đổi mới – hội nhập – phát triển”. Nhà trường đã thực hiện đổi mới về công tác quản lý hành chính, quản lý đào tạo. Đã xây dựng Đề án phát triển nhà trường đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng theo tiêu chí trường chất lượng cao, đào tạo đa cấp, đa ngành nghề. Phấn đấu đến năm 2020, Trường Cao đẳng nghề số 1-BQP có 3 ngành nghề đạt chuẩn khu vực và 3 ngành nghề đạt chuẩn quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhà trường đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Nhà trường hiện có 200 cán bộ, giáo viên, CNV đang công tác, giảng dạy, và phục vụ với 7 khoa nghề, 5 phòng ban, 4 cơ sở, 3 trung tâm. Trong đó có 3 đồng chí đang nghiên cứu sinh, 15 đồng chí có trình độ thạc sĩ, 89 đồng chí trình độ đại học, 93 đồng chí trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp (trong đó có 30 thợ bậc cao). Công tác xây dựng, kiện toàn bộ máy và đổi mới cơ chế quản lý đạt nhiều bước tiến quan trọng trên tinh thần tinh giản, gọn nhẹ, chuyên nghiệp, lấy chất lượng đào tạo làm thước đo. Trên cơ sở chuẩn hoá chương trình, giáo trình đào tạo, chuẩn hóa đầu ra của học sinh, sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà trường tiến hành thực hiện chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, khuyến khích giáo viên áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hàng năm gửi hàng chục cán bộ, giáo viên đi đào tạo sau đại học, đi nghiên cứu, bồi dưỡng. Hiện nay, 100% giáo viên các khoa nghề có chứng chỉ tin học IC3, đến năm 2016 có từ 60- 70% cán bộ, giáo viên được cấp chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC.
Đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhà trường đã mở thêm nhiều mã ngành nghề đào tạo mới. Hiện nay, lưu lượng đào tạo của nhà trường từ 2500 đến 3000 học sinh sinh viên/năm. Quy mô mở rộng, nhưng chất lượng đào tạo luôn được nâng cao; vị thế và uy tín của nhà trường ngày càng được củng cố, tăng cường.
Khẳng định uy tín, chất lượng, năng lực đào tạo của nhà trường, ngày 25 tháng 5 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 761/QĐ-TTg đưa Trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ Quốc phòng vào danh sách các trường nghề quy hoạch đầu tư phát triển thành trường nghề chất lượng cao giai đoạn 2014 – 2020. Quyết định này mở ra cơ hội để nhà trường từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế trên lĩnh vực đào tạo nghề.
Năm mươi năm – một chặng đường, mặc dù phải trải qua những giai đoạn đầy khó khăn, thử thách, lúc tách độc lập, khi sáp nhập, rút gọn; biên chế, tổ chức thay đổi theo từng thời kỳ. Song, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB&XH, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, các sở ban ngành và các cơ quan quân khu, sự đùm bọc thương yêu của nhân dân các dân tộc Việt Bắc nhà trưởng đã vững bước phát triển như ngày hôm nay.
50 năm qua, nhà trường đã cung cấp cho lực lượng vũ trang Quân khu nói riêng và các đơn vị trong toàn quân một đội ngũ lái xe và nhân viên kỹ thuật có phẩm chất năng lực, trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: đào tạo nhiều khóa lái xe ô tô quân sự cho 15.161 đồng chí; bổ túc lái xe quân sự cho 5.584 đồng chí; thi nâng bậc lái xe 6.043 đồng chí; đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ 15.709 đồng chí; đào tạo, dạy nghề cho các đối tượng dân sự 50.486 người; thi cấp giấy phép lái xe Mô tô hạng A1cho 233.467 lượt người; cung ứng lao động cho các doanh nghiệp 8.756 người, liên kết đào tạo được 5.989 học sinh, sinh viên. Vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa quân sự, chuyên chở hàng vạn cán bộ, chiến sỹ vào Nam chiến đấu và lên biên giới làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhà trường, Đảng, Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Ba (1974), Huân chương Lao động hạng Ba (2010) và nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, UBND tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, tháng 1 năm 2015 nhà trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Thay mặt cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo các bộ ban ngành, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, các đơn vị, các doanh nghiệp, các địa phương đã dành cho nhà trường trong suốt 50 năm qua. Đề nghị cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhiệt liệt chúc mừng thành tích của nhà trường trong những năm qua.
Kính thưa quý vị đại biểu khách quý!
Thưa các đồng chí, các em học sinh!
Trải qua nửa thế kỷ không ngừng phát triển, vì thường xuyên coi trọng thực hiện 3 nguyên lý của quá trình đào tạo “Học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội” nên Trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ Quốc phòng luôn trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có uy tín của khu vực trung du miền núi phía Bắc. Sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường như một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ của lớp lớp các thế hệ thầy và trò. Nhà trường mãi mãi ghi nhớ công lao và đóng góp to lớn của các cán bộ, nhà giáo, các cựu HSSV, bằng những việc làm có tên và không tên của mình, đã dệt nên những trang sử truyền thống tốt đẹp của nhà trường. Thế hệ ngày nay đã và đang kế thừa truyền thống đó, tiếp tục đoàn kết đổi mới và đổi mới hơn nữa, sáng tạo và sáng tạo hơn nữa để xây dựng Trường Cao đẳng nghề số 1-BQP trở thành trường chất lượng cao đến năm 2020, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các bộ ban ngành, Bộ Tư lệnh Quân khu 1, các tỉnh, thành phố, các địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đồng chí lãnh đạo nhà trường các thời kỳ, các đồng chí cựu cán bộ, quý vị khách quý đã quan tâm, giúp đỡ nhà trường trong thời gian qua. Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công. Chúc các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên mạnh khỏe, đoàn kết xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn!