Điều tra của Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề đối với các doanh nghiệp cho thấy có 80% – 85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo, trong đó có 30% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng nghề từ khá trở lên.
Tìm kiếm các giải pháp đồng bộ về quản lý và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy nghề, đồng thời đẩy mạnh gắn kết dạy nghề với thị trường lao động, là những vấn đề mới đây đã được Bộ LĐ-TB&XH cùng các chuyên gia tiếp tục bàn thảo, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Còn nhiều bất cập
Điều tra của Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề đối với các doanh nghiệp cho thấy có 80% – 85% số lao động qua đào tạo nghề được sử dụng đúng trình độ đào tạo, trong đó có 30% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng nghề từ khá trở lên.
Dạy nghề không chỉ bảo đảm nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, nhất là người dân thuộc nhóm yếu thế là phụ nữ, lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người nghèo; người dân ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn và thực hiện chính sách công bằng trong dạy nghề.
Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục để nâng cao hiệu quả chất lượng công tác dạy nghề như: Công tác phân luồng học sinh vào học nghề chưa được quan tâm đúng mức; Chất lượng dạy nghề phần nào vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm; cơ cấu đào tạo theo nghề chưa hợp lý;
Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn bất cập; giáo viên dạy nghề còn hạn chế về kỹ năng nghề; chương trình ít được cập nhật, bổ sung theo sự phát triển của khoa học công nghệ; sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề vẫn còn lỏng lẻo; Nguồn lực đầu tư cho dạy nghề còn hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển của quy mô và mạng lưới cơ sở dạy nghề; chưa huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển dạy nghề;
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành đối với trình độ trung cấp, cao đẳng nên những vướng mắc liên quan đến hệ thống dạy nghề và giáo dục chuyên nghiệp chưa được giải quyết, khắc phục.
Hai giải pháp đột phá
TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua lao động qua đào tạo nghề đã đảm nhận nhiều vị trí công tác phức tạp mà trước đây do chuyên gia nước ngoài thực hiện, khoảng 70% học sinh học nghề tìm được việc làm.
Tuy nhiên, đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, về các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp…
Để khắc phục những hạn chế, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho rằng, cần gắn kết chặt chẽ giữa dạy nghề và thị trường lao động, kết nối cung, cầu giữa nhà trường và doanh nghiệp, bảo đảm người học có việc làm sau tốt nghiệp.
Trong các giải pháp về nâng cao chất lượng dạy nghề trong thời gian tới, giải pháp “Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp” và “Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp” là hai giải pháp đột phá.
Theo đó, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp, linh hoạt, sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; lấy thực hành là chính, thời gian học lý thuyết tối đa 30%, thời gian thực hành từ 70% trở lên…
Tới đây, Tổng cục Dạy nghề sẽ đẩy nhanh việc rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề đào tạo, phân tầng chất lượng đào tạo; tái cấu trúc hệ thống GDNN gắn với nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân; Giao quyền tự chủ cho các nhà trường, khơi dậy tiềm năng, phát huy năng lực của các nhà trường.
Nguồn GD&TĐ