Ngày nay nhiều thầy cô đánh đòn trò dường như chỉ để thỏa bức xúc của bản thân mà quên rằng chỉ có điều gì xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim.
Bài viết dưới đây của thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh bày tỏ quan điểm về vụ “Thầy giáo bất ngờ bị đánh sau khi tát học trò”.

Cho đến này, rất nhiều người ở tuổi trên 40 tại thành phố Pleiku, Tây Nguyên, hẳn chưa quên một đám tang của ông giáo làng đáng kính với hàng nghìn bạn trẻ cùng đến đưa tiễn vào năm 1995. Hình ảnh ấn tượng nhất của lễ tang ấy là đoàn người đủ lứa tuổi dài cả cây số đứng dọc hai bên đường sụt sùi đưa tiễn người thầy thân yêu về cõi vĩnh hằng.
Người thầy ấy tên là Bùi Kim Sanh, dạy tiểu học ở ngôi trường nhỏ với cái tên rất giản dị “Trường thầy Sanh”, từ năm 1965 đến 1995. Thầy được mệnh danh là giáo viên “dữ có tiếng” ở phố núi. Ai học thầy cũng rất dễ bị ăn roi từ những lỗi nhỏ nhất, giỏi cũng bị đòn để nhớ mà không lặp lại những lỗi “vô duyên”, còn em nào kém thì bị đòn để chăm học hơn. Cũng chính vì thế mà lớp của thầy đứa nào cũng sợ, chẳng dám chểnh mảng chuyện học hành.
Khi thầy qua đời, bao thế hệ học trò, từ những lứa đầu tiên năm 1966-1967 đến thế hệ cuối cùng thầy đang dạy dở dang cũng chen nhau đến viếng, cùng sát bên nhau dọc đường để đưa tiễn thầy lần cuối với lòng biết ơn và tiếc thương khôn nguôi. Nhìn cảnh này, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng học sinh của thầy không biết đau khi bị thầy đánh, nhưng tại sao vẫn yêu mến và tôn kính thầy?

Cũng ở vùng phố núi ấy, có một thầy giáo không được đào tạo qua trường sư phạm, chỉ dạy tại gia. Ông giáo này nổi tiếng với 3 cây roi: tầm trung, tầm xa, tầm gần để phạt học sinh về tội lười biếng, viết chữ xấu, ăn nói không thưa gửi.
Vậy mà để xin cho con học ở lớp học thêm ấy vào tháng 6, phụ huynh phải nộp đơn đăng ký từ tháng 2 mà cũng chưa chắc có hy vọng con mình được vào lớp học thêm đó. Đơn giản vì họ thấy người thầy đó không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho học sinh mình làm người, biết chia sẻ với các bạn nghèo trong cùng khóa học, biết yêu thương bố mẹ, biết quý trọng những đồng tiền bố mẹ làm ra.
Bất kỳ học sinh nào “tốt nghiệp” các lớp học thêm ấy mà chỉ bị lãnh dưới 10 roi là có thể tự hào rằng mình là đứa thành công trong khi học ở đây. Một thầy giáo rèn học sinh mình bằng roi như thế, nhưng ngày Tết, ngày 20/11 năm nào học sinh cũ mới cũng quây quần chật nhà thầy, báo cáo với thầy thành tích học tập đã đạt được. Sau đó thầy trò cùng ăn chung một bữa cơm chan hòa tình thân.
Trong số học trò của thầy giáo đó có những em đã trở thành tiến sĩ dạy tại các trường đại học ở nước ngoài, nhưng về thăm thầy cũ vẫn một điều “dạ” hai điều “thưa”, vẫn luôn nói với thế hệ đàn em “nhờ thầy anh mới được như ngày hôm nay”. Có một điều nghịch lý, rõ ràng thầy giáo đó thành công với phương pháp giáo dục mà nhiều người không đồng tình hôm nay.
Nhưng ở phía ngược lại, cũng có thầy giáo chẳng đánh học sinh bao giờ lại còn dúi vài viên kẹo vào tay học trò mỗi buổi sáng kèm theo lời thì thầm “học tốt nhé, đệ tử”.
Chính những lời thì thầm đó, những viên kẹo đó đã đồng hành cùng thầy trò suốt những năm học phổ thông, là nguồn lực thúc đẩy những đệ tử của “sư phụ” cố gắng học tốt hơn, ngoan hơn, chăm chỉ hơn. Làm thế để thầy vui lòng hay chỉ đơn giản là nhận được vài viên kẹo, vài viên ô mai xí muội từ tay thầy mỗi buổi sáng, dù khả năng kinh tế có thể mua được vài chục bịch như thế.
Thế mới hiểu, trong giáo dục, đôi khi viên kẹo ngọt, viên ô mai, lời thì thầm từ người thầy đầy lòng yêu thương học trò còn phát huy tác dụng hơn những đòn roi trong việc dạy dỗ các em thành người.
Trong quá trình làm công tác giáo dục, tôi từng chứng kiến những người thầy đã biến nhà mình thành ngôi nhà mở. Bất kỳ học sinh nào lúc vui buồn cũng có thể đến đọc một quyển truyện nào đó, ăn một bát cơm cùng thầy, hoặc đơn giản đến nhà thầy chỉ để ngồi học bài và khi nào bí điều gì thì có thể hỏi thầy ngay lập tức. Nhà thầy trở thành nhà bán trú miễn phí, thành hội quán của đám học trò phá như giặc.
Nhưng mỗi khi có chuyện xảy ra, thầy chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở đám học trò về những việc sai trái, chỉ bảo cách khắc phục. Vậy mà trò vẫn kính sợ thầy lắm, khi biết mình có lỗi, cả đám chỉ đứng túm tụm ngoài cửa chẳng đứa nào dám bước chân vào gặp thầy vì xấu hổ.
Học trò của người thầy đó ngày hôm nay nhiều đứa trưởng thành. Có chị là giám đốc doanh nghiệp, là giảng viên đại học, có anh là quan chức, bác sĩ, có người ở nhà làm nông dân. Họ vẫn hẹn nhau một ngày truyền thống trong năm tề tựu bên thầy, kể cho thầy nghe những buồn vui trong cuộc sống, cùng góp sức với nhau giáo dục đám con của mình như cách ngày xưa thầy đã dạy.
Vậy đó, thật khó nói đòn roi hay kẹo ngọt là phương pháp giáo dục tốt nhất để tạo nên một con người hoàn chỉnh. Nhưng chắc chắn có một điều chung giữa những người thầy dù theo “trường phái giáo dục” nào là tình yêu thương thật lòng dành cho học sinh mà mình gắn bó.
Ngày hôm nay, phải chăng trong một số bộ phận giáo viên đã không còn tình thương yêu đó? Thầy đánh trò chỉ để thỏa những bức xúc của bản thân, thầy chiều trò chỉ vì muốn được yên thân, khỏi va chạm. Hình như những giáo viên đó quên mất rằng “chỉ có điều gì xuất phát từ trái tim mới đến được trái tim”.
Đòn roi hay kẹo ngọt điều đó sẽ không có ý nghĩa gì nếu nó không xuất phát từ trái tim mỗi thầy cô giáo. Chỉ có điều, trong cuộc sống vật lộn mỗi ngày với cơm áo gạo tiền trăm mối lo, có lúc nào những người làm thầy cô tự hỏi trái tim mình có còn đặt trong nghề đào tạo con người nữa hay không?
Phạm Phúc Thịnh/ nguồn: vnexpress.net